Hỗ trợ trực tuyến

024.6295.4337

Liên hệ: 024.3733.4371

Công nghiệp 4.0 - thách thức lớn cho ngành dệt may và các ngành thâm dụng lao động khác

Cho đến nay, thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với động cơ thủy lực và hơi nước. Cuộc cách mạng lần thứ hai là động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. Cách mạng công nghiệp lần này là sự kết hợp cao độ giữa hệ thống siêu kết nối vật lý và kỹ thuật số với tâm điểm là internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo. 
Trước hết, sự khác biệt của công nghiệp 4.0 đối với các cuộc công nghiệp trước là ở tốc độ, quy mô và phạm vi tác động. Công nghiệp 4.0 ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực và tới tất cả các nền kinh tế trên thế giới. 
Thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp lần này mang lại sự thay đổi rất mạnh về năng suất, quy mô và mô hình quản lý. 
Thứ ba, các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây hướng tới sử dụng hiệu quả năng lượng, thì cuộc cách mạng công nghiệp lần này tìm ra nguồn năng lượng mới và hướng tới khai thác hiệu quả nhất nguồn năng lượng này. Cũng như các quốc gia khác, công nghiệp 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức, nhưng với Việt Nam thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. 
Về cơ hội, Việt Nam là nước đi sau nên có thể là cơ hội để “đi tắt đón đầu”. Nếu như chúng ta có thể tận dụng cơ hội này, bỏ qua một số giai đoạn phát triển khác thì chúng ta có thể tiết kiệm được thời gian so với các nước. Bên cạnh đó, nhân cơ hội từ công nghiệp 4.0, Việt Nam có thể thay đổi mô thức quản lý, mô thức phát triển nền kinh tế. Nếu sự thay đổi này đi đúng hướng thì Việt Nam có thể có cơ hội bứt phá được. 
Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhất là trong các lĩnh vực: công nghệ, nguồn nhân lực, chính sách và hạ tầng. Cụ thể, về công nghệ, trình độ công nghệ của Việt Nam ở mức vừa phải và không đồng đều nên sẽ tiếp cận rất khó khăn với công nghiệp 4.0. 
Về nguồn nhân lực, trình độ nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam chưa cao và sẽ rất khó khăn khi phải tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ. Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam cũng cần có những đòi hỏi nhất định để kết nối với công nghiệp 4.0. Như vậy, chúng tôi thấy Việt Nam có rất nhiều thách thức. 
 
Công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế tuy nhiên mức độ ảnh hưởng với từng ngành sẽ khác nhau. Ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành thâm dụng lao động như may mặc, điện tử. Đây là các ngành có số lượng công nhân lên đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn lao động nên sẽ nhiều thách thức khi mà tự động hóa ngày càng gia tăng. Một báo cáo mới đây của ILO (7/7/2016) dự báo, máy móc công nghệ của công nghiệp 4.0 có thể thay thế 85% lao động dệt may của Việt Nam trong vài thập kỷ tới.Bàn về những vấn đề đặt ra đối với chính sách phát triển ngành dệt may trong bối cảnh công nghiệp 4.0, chúng tôi cho rằng, đối với ngành dệt may, một ngành có tính thời trang cao, có nhiều công đoạn sản xuất, công nghiệp 4.0 khó có thể đồng loạt thay thế lao động tay chân của con người trong thời gian ngắn, nhất là công đoạn may. Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 vẫn làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với lao động dệt may, đặc biệt lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc, song mức độ tác động ở mỗi công đoạn sản xuất dệt may cũng khác nhau.

Trong một thập niên tới có thể dự báo sản xuất xơ, sợi hóa học có khả năng thay thế cao. Còn các công đoạn sản xuất tơ, sợi tự nhiên, các công đoạn dệt, đặc biệt vải không dệt và khâu nhuộm có thể hoàn tất khả năng thay thế lao động con người bằng máy móc. Riêng công đoạn may, nhìn chung khả năng thay thế ở mức độ trung bình thấp do có tính thời trang cao, nhu cầu phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, thị hiếu vùng miền

Mặt khác, dệt may Việt Nam trong công nghiệp 4.0 sẽ phải đối mặt với nguy cơ chuyển dần sản xuất quay lại các nước, như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc… là các quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. Đồng thời tạo ra sự chênh lệch lớn về trình độ và thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp, trong ngành và giữa các ngành nghề với nhau.

Do đó, để khuyến nghị giải pháp đối với các doanh nghiệp dệt may, TS. Trương Văn Cẩm cho rằng, các doanh nghiệp cần có nhận thức đúng, tìm hiểu kỹ về công nghiệp 4.0, sự tác động của nó đến ngành dệt may bằng cái nhìn thực tế, khách quan phù hợp với đặc điểm của một ngành sản xuất hàng hóa theo xu hướng thời trang, thị hiếu, thời tiết, vùng miền, tôn giáo, sản phẩm nhiều đẳng cấp với giá cả hợp lý. Công nghiệp 4.0 là công cụ giúp hiện thực hóa những nhu cầu của con người một cách hiệu quả nhất và cũng chỉ ở những công đoạn nhất định. Doanh nghiệp dệt may cần xác định các công việc trong dây chuyền sản xuất, có thể tự động hóa theo phương châm vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động vừa quan tâm sử dụng nguồn lao động dồi dào của Việt Nam